Thực sự có lối thoát nào cho Ung thư không?

Thực sự có lối thoát nào cho Ung thư không?

Đây là bản dịch bí kíp “Real Macrobiotics for Cancer Prevention and Treatment” của tác giả Verne Varona, nối tiếp bài viết của tác giả người Nhật Herman Aihara và tác giả người Mỹ David Briscoe đều là những vị thầy nổi tiếng trên thế giới về thực dưỡng. Bếp Thực Dưỡng chọn lọc giới thiệu nhiều góc nhìn và thông tin để giúp người bệnh (và chưa bị) ung thư có quyết định đúng đắn nhất giữa ngã 3 sinh – tử – sinh không bằng tử
Con người đang yếu đi
Hãy nghĩ về điều này: năm 1960, cứ 4 người thì 1 người bị ung thư; ngày nay con số này là 3:1. Theo dự đoán, trong vòng 15 năm nữa cứ 2 người thì 1 người sẽ bị ung thư. Điều này có nghĩa là hơn ½ dân số (Mỹ) sẽ mắc phải các dạng ung thư hoặc tiền ung thư.
Kể từ khi Tổng thống Nixon tuyên bố “cuộc chiến chống ung thư” cách đây hơn 35 năm, căn bệnh này đã phát triển một cách dị thường: tăng 40%. Năm ngoái (2006), hơn 1,250,000 người Mỹ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Ung thư trở thành nền kinh tế bộn tiền với kinh phí cắt cổ một cách lố bịch: gần 100 tỷ USD mỗi năm dành cho trị liệu và nghiên cứu. Năm 1995, riêng phần dành cho hóa trị liệu đã ngốn khoảng 8.5 tỷ USD.
Số lượng tử vong do ung thư không được công bố rộng rãi, nhưng chắc chắn là càng ngày càng tăng, trừ một vài dao động bất thường do giới truyền thông quả quyết là “ung thư đã giảm xuống”. Bệnh ung thư đã vượt qua bệnh tim để trở thành kẻ giết người số 1 tại Mỹ. Bất chấp những phương pháp trị liệu tốt nhất mà y khoa mang lại, năm nay, hơn 650,000 người Mỹ đã chịu đựng và chết vì ung thư.
Chúng ta đã tin vào lòng tham (In Greed We Trust)
Sau đây là một vài nghịch lý: công ty Bristol Myers sở hữu bằng sáng chế của 12 trong số gần 40 loại thuốc chữa ung thư. Chủ tịch, nguyên chủ tịch, thành viên hội đồng, một số giám đốc công ty, bọn họ đã từng giữ, hoặc đang giữ những vị trí quan trọng trong ủy ban của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering.
Chuyện của tôi
Verne Varona, diễn giả thực dưỡng, tác giả 2 cuốn sách Macrobiotics for Dummies
và Nature’s Cancer-Fighting Foods
– Ông có một khối u to trên ngực, ông Varona…
– Tôi xin lỗi, xin bác sĩ nhắc lại cho, có phải ông nói là “u”…
– Chính xác là vậy. Tôi dự đoán nó sẽ phát triển nhanh, vì nó đã lan ra rồi. Nếu nó là u ác, như chúng tôi nghi ngờ, ông chỉ còn sống không quá 10 tháng nếu không thực hiện hóa trị liệu. Mà tôi khuyên là ông nên làm nhanh đi.
Những câu đó được phát ra từ miệng một bác sĩ chuyên khoa ung thư sau khi đọc bản chụp CT của tôi, chúng cứ vang vọng quanh tai tôi. Thật đúng là ác mộng.
Tối đó, tôi cảm thấy đau nhói ở ngực khi đang lướt qua các kênh TV ở khách sạn, sau một ngày dài xuất hiện trên radio và TV để quảng bá cho cuốn sách của mình: “Thức ăn tự nhiên chống ung thư” (Nature’s Cancer-Fighting Foods). Tôi đã yêu cầu chụp X-quang và nghĩ rằng chỉ là chứng viêm, vấn đề nhỏ thôi mà.
Tôi và cái bóng
Kỹ thuật viên X-quang nói tôi có một “cái bóng” ở ngực trên bản phim và yêu cầu tôi chụp CT. Tôi phải suy nghĩ cẩn thận về đề xuất này, đặc biệt là khi tôi biết một lần chụp CT tương đương với 133 lần chụp X-quang phổi. Cuối cùng tôi quyết định làm. Tôi thấy áp lực đè nặng lên tim, mất cảm giác thèm ăn và mệt mỏi tăng lên. Tôi cần biết chẩn đoán sẽ cho ra kết quả gì. Bởi vì cái “khối u 7cm” của tôi nằm gần động mạch chủ, trung tâm của mạng lưới bạch huyết, và vị bác sĩ chuyên khoa ung thư nói, một cách tự tin, rằng “chắc là u ác tính”.
Mức độ rủi ro từ phóng xạ bởi CT scan, chụp X Quang…
Với tôi, điều này quá là không thể! Tôi đã theo thực dưỡng gần 30 năm, sao việc này có thể xảy ra được? Tôi trở về LA và lập tức hỏi ý kiến 3 vị bác sĩ khác. Như nhau: “chắc là u ác, cầm cự được khoảng 8-12 tháng”, đỡ hơn thì “có lẽ là 15 đến 18 tháng, với sự trợ giúp của hóa trị liệu…”
Tôi quyết định tự xoay sở, từ chối sinh tiết và rời khỏi nơi có vẻ như là không lành mạnh nhất đất nước – Los Angeles. Tôi đến Omaha và Nebraska. Tôi có những người bạn tốt ở đó và một người bạn đặc biệt đã dành cho tôi sự chăm sóc, hỗ trợ và khuyến khích. Stress – lần đầu tiên trong nhiều năm – không còn nữa. Tôi thiền định, quán tưởng mỗi ngày, đi bộ trong rừng vào buổi sáng, ngắm những chú nai xinh đẹp và những con gà rừng lang thang rong chơi một cách tự do. Tôi ăn một lượng nhỏ thực phẩm dưỡng sinh dùng làm thuốc, nhai kỹ mỗi miếng và nghiêm túc nhìn nhận lại cuộc sống mà tôi đã trải qua cũng như những thay đổi tôi muốn tạo nên. Tôi liên lạc lại với nhiều người bạn từ lâu đã lãng quên, cầu xin sự tha thứ và tha thứ khi được yêu cầu, và tôi đọc mọi thứ có thể về các phương pháp điều trị thay thế. Thật mỉa mai khi tôi là tác giả của một cuốn sách về chế độ ăn dành cho bệnh ung thư, và giờ đây, chỉ sau 3 tháng cuốn sách được xuất bản, tôi phải chiến đấu với căn bệnh ung thư của chính mình. Tôi giảm rất nhiều cân khi áp dụng chế độ ăn ít béo nghiêm ngặt, nhưng tự nhắc chính mình là mọi thứ đều có giá của nó.
Sự trưởng thành thực thụ của cá nhân
Chỉ trong vòng 1 tuần thực hiện chế độ nghiêm ngặt đó, tôi bắt đầu thấy khỏe khoắn, tích cực hơn, tràn đầy năng lượng và hy vọng. Sau 3 tháng như vậy, tôi scan lại để kiểm tra xem khối u giảm đi bao nhiêu. Tôi chắc chắn là nó cũng phải giảm đi ít nhất một nửa. Nhưng chẩn đoán chứng minh tôi đã sai. Nó to lên. Bây giờ nó 11 cm và đang tiếp tục to lên nữa! Có vẻ như dù tôi cố gắng điều hòa và xoay chuyển cỡ nào đi nữa, khối u có ý chí riêng và nó quyết định phải lớn lên. Bác sĩ của tôi lo ngại điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Đột nhiên, bất kể nỗ lực giải quyết lạc quan, tôi vẫn bị đẩy vào cảnh sầu thảm của cái chết đang đến gần.
Một tuần sau đó, tôi nhập viện trong 2 ngày và thực hiện sinh tiết. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật xuất hiện bên cạnh và tôi, vẫn choáng váng, bắt đầu tin là điều tệ nhất sắp xảy ra. Tôi động viên chính mình và một lần nữa, mọi thứ như một giấc mơ khi giọng nói đều đều của vị bác sĩ phẫu thuật bắt đầu vang lên trong đầu tôi.
Chẩn đoán “cuối cùng”
“Ông Varona, ông không sao rồi. Ông không có ung thư. Thực ra là, ông thậm chí còn không có u. Trước đó chúng ta đã chụp MRI phổi, không bình thường lắm vì đó là cơ di động, lẽ ra chúng ta đã xác định được. Nhưng chụp CT thì cho thấy nó là một khối đặc. Thực chất là ông có một u nang lỏng, chỉ vậy thôi – và chúng tôi nghĩ là bẩm sinh đã vậy. Chúng tôi đã hút nó ra, hút tận gốc và những nhóm cơ quanh đó trông rất khỏe mạnh. Ông sẽ sớm khỏe lại thôi. Chúc cuối tuần vui vẻ!”
Nói rồi, ông mỉm cười, vẫy tay chào và bước nhanh ra khỏi phòng. Tôi sắp chết đến nơi, nhưng bất thình lình tôi được chuyển qua một bộ phim khác. Tôi trải qua 5 tháng khốn cùng và đi qua mọi cung bậc mà hầu như bệnh nhân ung thư nào cũng trải qua – nước mắt, giận dữ, cự tuyệt, sợ hãi, nỗi buồn, hối hận… Những gì tôi nghe thấy từ miệng bác sĩ phẫu thuật trong căn phòng nhỏ của bệnh viện là những gì mà mọi bệnh nhân ung thư đều mơ ước: “Bạn không bị ung thư…”.
Trải nghiệm này đem đến cho tôi một biến chuyển sâu sắc về tính cách, cái nhìn đối với bệnh tật, về y học hiện đại, và về cách tôi đã được huấn luyện để nhìn ung thư dưới lăng kính thực dưỡng. Trong bài viết này tôi muốn chia sẻ cách nhìn ung thư của tôi bây giờ qua một quan điểm thực dưỡng đã được đánh giá lại. Những ý kiến đó là của riêng tôi, không ảnh hưởng bởi bất cứ đảng phái, phe nhóm hay mục đích thương mại nào.
Bác sĩ biết-tuốt và chẩn đoán khung thời gian
 
Trước hết, tôi tin rằng bất kỳ một bác sĩ nào cũng không có quyền phán cho bệnh nhân thời hạn để chết. Việc đó quá táo bạo, kiêu căng và thường là không chính xác. Ảnh hưởng tâm lý tiêu cực của kiểu dự đoán đó đúng là “lợi bất cập hại”. Con người không phải là số liệu thống kê. Nếu ai đó bị chẩn đoán ung thư rồi trở về nhà, chịu đựng sự hoảng loạn của kết quả chẩn đoán, tiếp tục chế độ ăn nghèo nàn và duy trì lối sống không lành mạnh điển hình mà họ đã có trong quá khứ, trong trường hợp đó, có lẽ họ sẽ biến lời tiên đoán thành sự thật.
Con người là những cá nhân riêng biệt với tiềm năng chuyển đổi tuyệt vời ở mọi cấp độ, kể cả cấp độ tế bào. Đối với những người đủ phiêu lưu để thay đổi nhiều khía cạnh trong cuộc đời họ, bắt đầu từ những thứ căn bản như thức ăn, lối sinh hoạt, khả năng chữa khỏi là hoàn toàn có thể. Hãy tin vào phép màu, tôi luôn nói như vậy.
Tuy nhiên, tin vào phép màu nhưng đừng nghĩ rằng phép màu nhất định phải xảy ra. Nó có thể diễn ra rất chậm, căng thẳng triền miên. Cái gì đến sẽ đến. Bạn cố hết sức, cầu nguyện và tiếp tục tập trung vào điều bạn muốn.
Có lần tôi hỏi một bệnh nhân ung thư giai đoạn 4 cảm thấy thế nào khi những nỗ lực của anh trong điều trị thay thế bị thất bại, anh ấy suy nghĩ trong giây lát rồi nói: “Người ta nói rằng “phần thưởng lớn nhất cho công việc vất vả không phải là cái mà anh nhận được, mà chính là con người mà anh trở thành, nhờ có nó”, tôi chưa bao giờ hiểu được cho đến gần đây…”
Nguyên nhân của ung thư
Chúng ta cần mở rộng nếp nghĩ để lĩnh hội những khả năng tại sao ai đó lại phải chịu đựng “cuộc nổi loạn của tế bào” như là ung thư. Tôi không tin rằng thói quen ăn bánh quy, đồ nướng hay mấy món vặt làm từ bột mì là nguyên nhân chính làm ung thư lan tràn. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho ung thư tiến triển. Thực ra, sau khi xem xét tất cả những gì ta biết về ung thư, loại lý do như vậy đúng là sỉ nhục về mặt trí tuệ.
Chúng ta biết rằng đối với một vài loại ung thư thì nguyên nhân di truyền có ảnh hưởng nhất định, ngoài ra là: môi trường độc hại, chất độc trong xây dựng, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá, chất béo từ thịt nướng, stress, tiêu thụ quá nhiều đạm động vật và chất béo, ăn nhiều đường đơn, vv… danh sách dường như vô tận. Gần đây, FDA đã tìm ra dấu hiệu đáng kể của 60-80 loại thuốc trừ sâu trong túi shopping thực phẩm thông thường của người Mỹ. Tuy vậy, cho đến giờ vẫn chưa có nghiên cứu nào đi sâu hơn hay sản phẩm nào chính thức bị cấm.
Tuy nhiên, nó không phải là một nguyên nhân đơn lẻ. Có rất nhiều yếu tố hiệp lực với nhau làm suy yếu hệ miễn dịch của chúng ta, khiến ta dễ bị tổn thương trước sự tấn công của ung thư. Mỗi người đều có một vài tế bào ác tính trôi nổi trong dòng máu, đó là tế bào đã bị tổn thương DNA và hệ miễn dịch yếu kém sẽ bật đèn xanh cho nó phát triển.
Cơ thể tự chữa lành như thế nào?
Như đã nói, chúng ta nên kiểm nghiệm lại vai trò của thực phẩm trong việc phục hồi sức khỏe. Thức ăn là nguyên liệu tạo máu và ảnh hưởng đến toàn bộ sinh lý của chúng ta, giúp cơ thể chống lại bệnh tật theo 4 phương thức cơ bản: 
Dinh dưỡng trong thức ăn củng cố hoạt động của tế bào và máu: chế độ ăn chủ yếu là thực vật như ngũ cốc lứt, rau, rong biển, đậu, với một lượng nhỏ protein động vật, dầu và trái cây vừa làm giảm cặn bã axit vừa cung cấp nhiều dưỡng chất dễ hấp thu. Trong một số trường hợp, thực phẩm chức năng từ thảo mộc, nấm dược thảo, enzym, thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm tổng hợp chiết xuất từ các loại rau củ có màu cam, vàng và xanh, thực phẩm có lượng chất thải axit thấp và tiết giảm lượng thức ăn góp phần tạo nên một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và giúp chúng ta chống lại ung thư. 
Cân bằng giữa chế độ ăn và lối sống lành mạnh giúp tăng cường hệ thống miễn dịch: hầu hết các sách đều khuyên dùng thực phẩm chức năng để hỗ trợ hệ miễn dịch. Mặc dù những sản phẩm này cũng chất lượng và một vài nghiên cứu cũng thừa nhận chúng ảnh hưởng tích cực lên hệ miễn dịch, nhưng ưu tiên hàng đầu của chúng ta là không làm suy yếu hệ miễn dịch. Tiêu thụ nhiều đường đơn, ngủ kém và stress là những nhân tố độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của tế bào. 
Trong một vài nghiên cứu năm 1975, chỉ 100g đường (từ nước cam) đã làm suy giảm chức năng miễn dịch trong 4 đến 6 giờ. Nước uống có cồn và caffeine cũng gây tổn hại cho hệ miễn dịch. Điều này nghe có vẻ không quan trọng đối với những người khỏe mạnh, nhưng với ai bị ung thư thì những thực phẩm trên chỉ cản trở quá trình điều trị. Sự dồn nén cảm xúc và suy sụp lâu ngày cũng làm yếu miễn dịch, tương tự như thiếu ngủ, giấc ngủ kém và thường xuyên thức khuya làm phá vỡ đồng hồ sinh học và làm biến đổi cơ chế giải phóng những hormone then chốt của cơ thể như hormone vỏ não và melatonin. Từ kinh nghiệm cá nhân, theo dõi bệnh nhân, hằng trăm cuộc phỏng vấn với những người chiến thắng ung thư và những nghiên cứu dinh dưỡng hiện tại, tôi đã bị thuyết phục rằng cách mà cơ thể tự chữa bệnh là đây: tăng cường hệ thống miễn dịch để ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Chữa lành bệnh thực sự không liên quan đến “siêu dinh dưỡng”, “thức ăn chống ung thư đặc biệt” (xin lỗi vì nhan đề trong cuốn sách của tôi) hay bất cứ cái gì kỳ lạ, thảo dược thần kỳ ở Amazon, nước ép quả mọng… Có thể chúng góp phần làm tăng khả năng chữa trị, nhưng suy cho cùng, chúng có vẻ như để chắc chắn là ta không làm những điều khiến hệ miễn dịch suy yếu, chứ không phải là nghĩ cách để tăng cường hệ miễn dịch.
Kiểm soát đường huyết: trong 10 năm qua chúng ta đã biết nhiều về sự chuyển hóa đường trong máu và biết rằng đường huyết bất thường khiến cho các khối u phát sinh và phát triển. Giải pháp tốt nhất là ăn những sản phẩm tự nhiên và toàn phần, vì chúng giúp đường huyết cân bằng và điều hòa. Ăn ngũ cốc toàn phần, rau củ, đậu và tảo biển với một lượng nhỏ trái cây và protein động vật giúp duy trì đường huyết ổn định. Một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của đường huyết lên xuống thất thường là thời gian ăn uống thất thường. Thời gian giữa các bữa càng lâu thì bạn càng dễ bị đường huyết thấp, điều này lại luôn kích thích những cơn thèm ngọt mạnh mẽ và “không thể chối từ”, đồng thời cũng khiến bạn ăn quá nhiều. Bỏ lỡ bữa trưa và đợi đến tối mới ăn sẽ cổ vũ cho thói quen ăn đêm muộn, từ đó cản trở giấc ngủ cũng như hệ miễn dịch của bạn. Những yếu tố này hỗ trợ cho nhau. 
Tăng cường khả năng thải độc: sự cân bằng giữa tỷ lệ carbohydrate, chất béo và đạm, cũng như chất lượng thực phẩm, tác động mạnh mẽ đến khả năng thải độc tự nhiên của cơ thể. Chế độ ăn thực phẩm toàn phần củng cố những cơ quan có chức năng thải độc (thận, gan, ruột, bạch huyết và da) vì nó giúp máu lưu thông tốt hơn và quá trình thải độc hằng ngày trở nên hiệu quả hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng photpho có trong lớp vỏ ngoài của ngũ cốc lứt không chỉ giúp thải độc tố mà còn giảm lượng estrogen (hóc-môn sinh dục nữ) cao do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra. Miso, nguồn thực phẩm lên men giàu kiềm, tăng cường các vi khuẩn có lợi trong ruột, giúp tiêu hóa tốt hơn và sạch ruột hơn.Quá trình thải độc có thể được hỗ trợ bởi việc tập thể dục hằng ngày, tắm hơi, tẩy da chết và giảm lượng thức ăn. Nhiều người muốn “xổ ruột” để làm sạch cơ thể. Trong nhiều trường hợp, liệu pháp thải độc cực đoan như ăn kiêng, nhịn ăn, đắp thuốc dân gian thực ra lại tạo áp lực cho cơ thể vì lượng chất độc thải ra sẽ làm quá tải các cơ quan thải lọc. Tốt hơn hết là thay đổi chế độ ăn, điều chỉnh hoạt động hằng ngày và giảm lượng thức ăn ít nhất là 1 tháng trước khi bạn thử bất kỳ liệu pháp thải độc nào. 
Bộ mặt thật của hóa trị liệu
Nguyên lý cơ bản của hóa trị liệu là giết chết tế bào ung thư bằng cách dùng hóa chất can thiệp vào quá trình phân chia của tế bào. Hóa chất sẽ phá hủy các protein liên quan, hoặc phá hủy chính DNA của tế bào, làm cho tế bào tự chết đi.
Bạn thường nghe một nhân vật nổi tiếng nào đó bị ung thư, rồi chịu đựng hóa trị liệu nghiêm ngặt, và đột nhiên vài tháng sau, thông báo với giới truyền thông là “tôi đã hết ung thư, các khối u đã biến mất”. Báo chí không ngừng nói về “trận chiến dũng cảm chống ung thư” của họ. Cá nhân tôi không thấy rằng đó là “dũng cảm”. Có lẽ “đi sai đường” là từ dùng thích hợp hơn. Như thể bạn đang tự sát bằng cách rót thuốc độc cô đặc vào người rồi hy vọng mình có thể sống sót sau trận công kích dữ dội đó. Hoặc đơn giản là bạn quá cả tin. Những vị mặc áo blouse trắng quả rất có sức thuyết phục. Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa ung thư, nếu bạn có thể khiến họ trò chuyện cởi mở và trung thực, sẽ tiết lộ rằng dựa trên những gì họ thấy, họ sẽ không thực hiện hóa trị liệu nếu chẳng may bị ung thư.
Trong nhiều trường hợp hóa trị liệu, trong thời gian 6 tháng đến 1 năm sau đó, ung thư thường trở lại và… lợi hại hơn xưa. Trong hầu hết các trường hợp, nó chẳng bao giờ biến mất. Hóa trị liệu có thể làm giảm hoặc tiêu biến những khối u ban đầu, nhưng những hóa chất độc hại của nó cuối cùng lại làm suy yếu hệ miễn dịch đến một mức mà cơ thể không còn đủ khả năng miễn dịch để chống lại sự di căn của ung thư. Về mặt kỹ thuật mà nói thì bạn không thể kết luận mình đã “khỏi bệnh” cho đến khi bạn thoát khỏi ung thư được 5 năm trở lên. Tuy nhiên, điều này không ngăn được người ta tuyên bố sai lầm trên báo chí.
 
“Vâng, khối u đã biến mất, nhưng tiếc là bệnh nhân cũng “đi” luôn…”
Trong một phần trăm rất nhỏ của các trường hợp hóa trị liệu, hóa trị liệu ngắn hạn cho thấy kết quả đầy hứa hẹn, cho phép bệnh nhân kéo dài thời gian trước khi khối u đe dọa đến cấu trúc thần kinh hay chức năng cơ quan, nhưng thông thường hóa trị liệu phá hủy rất nhiều tế bào khỏe mạnh. Nếu bạn mắc bệnh ung thư và bác sĩ khuyên rằng hóa trị liệu sẽ cho bạn “cơ hội tốt”, hãy hỏi ông ấy về “tỷ lệ đáp ứng của khối u” và “độ co của khối u” với tỷ lệ sống sót. Thông thường, mối bận tâm luôn hướng về việc tiêu diệt khối u hơn là sự sống lâu dài của bệnh nhân. “Vâng, khối u không còn, nhưng buồn thay, bệnh nhân… cũng vậy!”.
Sự bất đồng này thường khiến người ta lầm đường lạc lối và thúc đẩy bệnh nhân chịu đựng những đợt hóa trị liệu, nhưng rồi lại mất khả năng chịu đựng những tác dụng phụ của nó. Giống như chú hề lang thang nổi tiếng Emmett Kelly, chú dùng búa tạ để mở vỏ hạt đậu phộng bé tí – hình ảnh đó miêu tả chính xác hóa trị liệu. Nói trắng ra, sự tàn phá của nó là quá mức chịu đựng của con người.
Bác sĩ Ralph Moss, tác giả của 8 đầu sách về ung thư, đã viết tài liệu nội bộ Những ghi chép về ung thư, là một nhà nghiên cứu đáng kính và là người ủng hộ liệu pháp thay thế trong y học. Ross viết Bàn về hóa trị liệu và viện dẫn rằng theo biểu đồ nghiên cứu của ông, hóa trị liệu chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn với những bệnh sau: ung thư bạch cầu, ung thư hệ bạch huyết, ung thư tinh hoàn, một số rất ít dạng ung thư hiếm gặp như Choriocarcinoma (ung thư nhau thai), Wilm’s tumor (ung thư thận ở trẻ em), và Retinoblastoma (ung thư võng mạc).
Tuy nhiên những loại ung thư trên chỉ chiếm 3% đến 6% số ca ung thư ở Mỹ. Điều này có nghĩa là hóa trị liệu không thể điều trị 94% đến 97% trường hợp ung thư còn lại. Số lượng lớn những bệnh ung thư phổ biến, nhưung thư vú, ung thư ruột kết, và ung thư phổi khó bị tác động bởi phương pháp hóa trị liệu. Hóa trị liệu tác động “thành công” ở một tỷ lệ tương đối nhỏ với ung thư buồng trứng giai đoạn 3, kéo dài thời gian sống khoảng 18 tháng; con số này ở ung thư phổi là 6 tháng.
“Hiệu quả” sau 28 ngày?
Tính hợp pháp của một tổ chức quốc gia (vốn được thành lập để bảo vệ cộng đồng) chỉ có thể bị nghi ngờ khi nổ ra những cuộc tranh luận xoay quanh các định nghĩa mang màu sắc chính trị – thiên vị cho các công ty dược lớn.Ví dụ điển hình: FDA định nghĩa thuốc chống ung thư “hiệu quả” nếu loại thuốc đó làm giảm 50% hoặc hơn kích thước khối u trong ít nhất 28 ngày. Nhưng trong đa phần các ca ung thư, rõ ràng là không có bất kỳ tương quan nào giữa việc thu nho khối u nhỏ trong vòng 28 ngày với việc chữa khỏi ung thư hay kéo dài cuộc sống bệnh nhân.
Bạn đã bị lừa nếu tin rằng có thể “thuốc” chính mình để trở nên khỏe mạnh, minh mẫn. Ung thư là sự rối loạn chức năng cơ thể, có nghĩa là nó liên quan đến toàn bộ bộ máy trong người bạn. Bạn phải nuôi dưỡng không chỉ cơ thể mà còn trí óc và tinh thần. Ung thư có thể được phát hiện ở một cơ quan hay vị trí nhất định nào đó, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Khoảng 96% người sống sót khỏi ung thư nhờ hóa trị liệu bị tái phát sau 5 năm. Tế bào ung thư là một tổ chức kỵ khí (anaerobic – không cần oxy mà vẫn sống được), phát triển mạnh trong môi trường axit, nồng độ oxy thấp, tối tăm, nhiều chất nhầy. Ung thư được nuôi sống nhờ đường và chất thải axit lactic. Gan sẽ chuyển hóa axit lactic thành đường, kết cuộc thì bạn cũng… cùng đường mà thôi. Một trong những yếu tố quan trọng để chữa trị ung thư là tạo ra hệ thống kiềm tốt hơn bằng cách giảm thức ăn axit, nhờ đó đem lượng oxy nhiều hơn đến các mô và giảm, hoặc cắt hẳn, nguồn cung cấp đường cho khối u. 
Khi lý thuyết đấu với thực tiễn – tính thích hợp của việc phân loại ung thư âm hay dương
 
Tôi nhận được điện thoại của một bệnh nhân phàn nàn: “tôi rất lúng túng về lý thuyết thực dưỡng, và tôi không chắc bệnh ung thư của mình là âm hay dương. Nói thẳng ra nhé, nếu tôi bị bệnh âm, tôi có thể ăn thịt, vì thịt dương mà, đúng không?”
Hoàn toàn không đúng. Và hoàn toàn lẫn lộn. Tôi sẽ trình bày quan điểm khác:
George Ohsawa, một trong những người đầu tiên tạo ra khuôn mẫu ăn uống, văn hóa lẫn triết học mà ông đặt tên là “thực dưỡng”, đã nhìn ung thư theo bản chất tự nhiên của nó. Dựa trên thực tế là tế bào ung thư nhân lên nhiều lần – tức là lực giãn nở, ông phân loại nó là “âm”. Ohsawa khuyến nghị một chế độ ăn để chữa trị ung thư nên tránh thực phẩm âm và ăn dương hơn, kể cả trong chọn lựa thức ăn lẫn kỹ thuật nấu nướng.
Michio Kushi, học trò của Ohsawa đã phát triển một lý thuyết khác vào cuối những năm 70 để phân loại ung thư “âm” hay “dương”. Có những loại ung thư gây nên do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm âm, trong khi những loại khác là hậu quả của chế độ ăn quá dương. Sự khác biệt này cũng khiến bệnh thể hiện ở những vùng riêng biệt trên cơ thể, những cơ quan liên quan hay tốc độ phát triển bệnh.
Theo quan điểm của riêng tôi, việc dùng những thuật ngữ Âm và Dương cho bệnh ung thư – với tất cả sự kính trọng đối với trí tuệ lỗi lạc của ông Kushi – đã trở nên lỗi thời, không cần thiết và có thể gây nhầm lẫn. Họ hiểu lầm thuật ngữ và từ vựng. Những thuật ngữ Trung Quốc cổ xưa có thể xa lạ với nhiều người, đặc biệt nếu họ không quen thuộc với sắc thái của triết học phương Đông. Điều khó lĩnh hội, kể cả đối với học viên thực dưỡng, là bản chất đối kháng của các mặt đối lập và cách chúng tồn tại trong sự liên kết để tạo nên một thực thể duy nhất. Không đơn thuần một vật là âm hay dương. Đây là một trong những lỗi lớn nhất mà người chưa có kinh nghệm hay mắc phải: “cái này rất âm”, “tôi thấy dương…”. Những tầng lớp kết hợp, chuyển hóa khó mà truyền đạt được trong những kiểu quan sát bề mặt như vậy.
Tôi nghĩ rằng một trong những lý do mà ông Kushi phân loại ung thư theo âm và dương là để chỉ ra những cực đoan khác nhau sẽ dẫn đến những bệnh ung thư khác nhau: dư thừa protein động vật thường biểu lộ ở những bộ phận ở dưới (như tuyến tiền liệt), trong khi đường lại biểu hiện ở những bộ phận ở trên (ngực, họng, não). Quan điểm này rất hữu ích để hiểu rằng chế độ ăn không cân bằng (thừa âm hoặc thừa dương) có thể là nguyên nhân của bệnh ung thư nào đó, nhưng trên thực tế, cả hai thái cực đều gây nên sự biến chất và thoái hóa hệ thống, làm yếu chức năng miễn dịch, tăng vi khuẩn kỵ khí và giảm chất lượng dinh dưỡng.
Toa thuốc thì lúc nào cũng như nhau: trước hết, thay đổi lượng ngũ cốc toàn phần, rau củ, rong biển, và đậu. Dùng ít cá, dầu và trái cây tùy theo nhu cầu để duy trì cân nặng, nhưng luôn nhớ đây là thức ăn bổ sung chứ không phải thực phẩm chính.
Tôi nghe một bệnh nhân ung thư đang ăn chế độ thực dưỡng nói về tác hại của trái cây đối với phác đồ trị bệnh ung thư, và rồi họ ngồi đó với một dĩa bự đồ ăn được nhồi vào ruột đến mức họ không đi nổi. Hãy nhớ lời tuyên bố của tiên sinh Ohsawa: “số lượng thay đổi chất lượng”. Quá nhiều thức ăn dù tốt cũng là sự cản trở quá trình điều trị. Chúng ta cần lượng thức ăn ít hơn và có thể ăn làm nhiều bữa hơn để cơ thể có thời gian tiêu hóa. Trong nhiều trường hợp, một miếng nhỏ trái cây sẽ làm thỏa mãn cơn thèm ngọt và tránh cho gan cũng như hệ tiêu hóa khỏi một cuộc công kích dữ dội của đồ ăn.
Năng lượng và vật chất vật lý
Năng lượng và “vật chất” vật lý là mâu thuẫn hiện tại giữa các liệu pháp thay thế, đặc biệt là giữa thực dưỡng và y học phương Tây. Rất nhiều lý thuyết thực dưỡng dựa trên khoa học về năng lượng, trong khi y học hiện đại chỉ tin vào những gì có thể quan sát một cách vật lý.
Rất nhiều nhà khoa học hoài nghi thuật châm cứu bởi vì họ không thể chấp nhận rằng 5,000 năm trước người Trung Quốc cổ đại đã vẽ được những đường kinh lạc chạy khắp cơ thể, liên hệ với những hệ thống cơ quan khác nhau, có thể được kích thích hoặc xoa dịu thông qua các huyệt đạo bằng cách châm kim, đốt nóng hoặc ấn huyệt. Chúng ta biết là nó hiệu quả, nhưng từ quan điểm vật lý, ta vẫn hoài nghi.
Khi nhìn vào thuyết thực dưỡng, bạn sẽ thấy rất nhiều kiến thức liên quan đến năng lượng, trong đó nhiều lý thuyết được xây dựng dựa trên những giả định triết học và tư tưởng. Điều này khó mà thuyết phục những khán giả của khoa học thực nghiệm, các quan chức chính phủ hay các chuyên gia y học, những người thường không chấp nhận những gì không thể thấy hoặc đo lường định lượng. Mỗi bên phải nhường một ít. Nếu các nhà thực dưỡng muốn được số đông công chúng chấp nhận, chúng ta phải tìm cách để diễn giải thông tin cho dễ tiếp thu hơn mà không phải dùng đến những tư tưởng triết lý, không phải dựa trên những giai thoại hoặc những tuyên bố quá chung chung – những điều này làm sụt giảm nghiêm trọng mức độ tin cậy của thực dưỡng.
Tiến thoái lưỡng nan: đường, ít béo, ít đạm và sụt cân
Tế bào và sự thèm ăn chết người
Bây giờ, nếu những lý thuyết chi tiết như vậy khiến bạn đau đầu, tôi sẽ giúp đơn giản hóa chúng: về căn bản, chút ít chúng ta biết về ung thư là đường đơn (thực phẩm axit mạnh) cung cấp năng lượng cho ung thư phát triển. Tế bào ung thư là tế bào tiếp nhận glucose đầu tiên. Đây là nền tảng của phương pháp scan PET (Positron Emission Tomography).
Bởi vì những tế bào ác tính phát triển với tốc độ chóng mặt, chúng cũng chuyển hóa nhiều đường hơn tế bào thường. Điều này cho phép bác sĩ của bạn hình dung một khối u có thể “hung hãn” đến mức nào, hoặc sự phát triển của chúng có thể bị chậm lại nhờ những liệu pháp điều trị thông thường. Đồng thời, dư thừa protein động vật và chất béo cũng liên quan đến phần lớn ung thư ở nam giới, bao gồm cả ung thư ruột kết. Về cơ bản, cả hai thái cực (đường hay đạm/béo) đều gây nên tình trạng này. Thực tế là, protein chuyển hóa thành các amino axit, các amino axit này được hấp thụ qua các lông mao ruột để đi vào dòng máu. Tuy nhiên, amino axit dư thừa lại chuyển hóa thành chất béo và đường.
Không nhiều người biết rằng đường tinh luyện và đường cô đặc phá hủy hóc-môn trong cơ thể khủng khiếp như thế nào. Chúng ta ngày càng nghiện đường. Bạn khó mà mua được một túi bánh không chứa tí đường đơn nào từ siêu thị. Họ đã đeo mặt nạ ngụy trang cho nó dưới dạng “đường mía cô đặc” hay “đường thô organic”, nhưng đừng để bị lừa. Họ cho đường đơn vào thịt cá hồi đóng gói, sốt cà chua, đậu, bánh gạo, thậm chí là gạo và sữa đậu nành. Đường, trong lớp áo kín đáo hơn, đã lén trở lại các siêu thị thực phẩm tự nhiên bằng những chiêu trò quảng cáo với tên gọi “đường thiên nhiên”.
Sự trợ giúp của bạn Đậu
Một trong những người thầy thực dưỡng đáng kính của chúng tôi từng khuyến khích chế độ ăn kiêng protein. Lý lẽ của thầy là protein giúp tế bào ung thư phát triển, vì vậy ông hạn chế protein cô đặc (đậu, tempeh, đậu hũ, etc.) trong 1-2 lần/tuần. Ban đầu nhiều người thực hiện tốt, nhưng sau đó họ không thể duy trì chế độ nghiêm khắc như vậy. Khi đến trung tâm của ông với tư cách thỉnh giảng, tôi nghe nhiều người nói họ liên tục bị đói, thức ăn không đủ để thỏa mãn cơn đói và cơn thèm protein lẫn dầu.
Nhiều người “bù đắp” bằng cách ăn thật nhiều, và họ vẫn sút cân. Ăn nhiều nhưng họ không tăng cân mà đi đại tiện nhiều hơn. Rất ít người tiếp tục chế độ kiêng khem khi trở về nhà. Khi người ta đến với thực dưỡng và trải nghiệm việc cân nặng tụt dốc không phanh, vẻ ngoài của họ bị ảnh hưởng không nhỏ. Ban đầu, nhiều người sung sướng khi được giảm cân, điều làm họ bận tâm bấy lâu, nhưng đến một lúc nào đó nó lại trở thành mối lo. Trong tâm thức, họ – cũng như các bác sĩ – đánh đồng việc giảm cân với sự phát triển của ung thư. Họ nhìn vào gương, thấy một bộ dạng nhăn nheo xấu xí. “Tôi không còn là chính mình nữa…” một người than thở, giọng nói của anh ta là hiện thân của sự thất bại. Đối với nhiều người, đó là chuyện khó vượt qua nổi.
Tuy nhiên, đánh mất hy vọng có thể dẫn đến những nghi ngờ về cái chết, tâm trạng thất thường và trầm cảm. Trong một nỗ lực nhằm bù đắp những bữa ăn chưa được thỏa mãn, đôi khi các bệnh nhân ung thư tìm cách ăn nhiều hơn. Thường thì việc này dẫn đến hệ lụy là mệt mỏi, phù nề, đầy hơi, ngủ kém.
Hậu quả của lối kiêng khem khắc nghiệt này có vẻ chưa dừng lại. Bệnh nhân cảm thấy khủng hoảng vì thèm thuồng nhiều thứ, lên kế hoạch chè chén no say và thường lảm nhảm về nó với tất cả sự lưu luyến mơ mộng với thức ăn.
Ăn bánh mì để không phạm tội giết người?
Tôi phát hiện ra rằng thêm vào một ít enzym tiêu hóa giúp ích rất nhiều cho việc hấp thụ và ngon miệng, nhất là đối với người lớn tuổi. Thêm vào đó, ăn nhiều bữa hơn, khoảng 4 bữa nhỏ thay vì 3 bữa một ngày cũng tốt hơn. Tôi đề nghị thỉnh thoảng có thể ăn thực phẩm chứa protein (đậu, sản phẩm từ đậu, hoặc một lượng nhỏ protein động vật) 2 lần một ngày, nhưng với khẩu phần thật ít thôi, nó tạo cảm giác no bụng hơn; có thể dùng kèm 1-2 muỗng cafe dầu mè hoặc dầu oliu khi nấu nướng. Miso là một gia vị giúp phục hồi và chữa trị mạnh mẽ. Đừng giới hạn bản thân trong món súp miso truyền thống. Có nhiều sách hướng dẫn nấu ăn với miso, như “Book of Miso” của Shurtleff – với nhiều công thức chế biến món miso giúp bạn duy trì sức khỏe lẫn cảm giác hứng thú. Sự đa dạng giúp đẩy lùi nhàm chán.
Tôi nhớ có một lần, khi tôi bước vào căn bếp thực dưỡng ở một khu điều dưỡng và phát hiện một ông cụ lục lọi từng ngăn tủ, ngăn kéo và ngăn tủ lạnh. “Cháu giúp được gì không ạ?” tôi hỏi và ông quay lại nhìn tôi với đôi mắt gần như phát cuồng, lẩm bẩm: “Lúc trưa có ai đó ăn bánh mì. Tôi thấy mà. Nếu tôi mà không ăn được một miếng bánh mì bây giờ, chắc tôi giết ai đó quá… nghe có vẻ điên hả, nhưng mà tôi đang cảm thấy như vậy đây. Tôi ớn gạo lứt tới tận cổ rồi…”.
 
Hãy đảm bảo rằng bạn có một thực đơn phong phú về cả hương vị lẫn kết cấu. Kết cấu như mượt, mịn, dai, khô… và Vị như đắng, mặn, ngọt, chua, cay là những phần quan trọng của bếp núc. Hãy nhìn vào bữa ăn phương Tây thông thường – đầy đủ kết cấu. Nếu bạn có một tô rau lá xanh đậm luộc nóng hổi (đắng), một ít nước cốt chanh (chua) và nước tương thuần tự nhiên – pha loãng với ít nước (mặn) để rưới lên mớ rau xanh nghít đó thì còn gì tuyệt hơn nữa!
Ung thư trong cộng đồng thực dưỡng
Trong 10 năm qua rất nhiều người trong cộng đồng thực dưỡng ra đi, đặc biệt là các giáo viên. Tôi thường nhận được câu hỏi này trong các buổi thảo luận: tại sao lại như vậy, họ là những người thực dưỡng kia mà? Dường như có một giả định rằng những người theo lối sống thực dưỡng sẽ đề kháng với mọi bệnh tật. Đây một phần là do lỗi của nhiều bài viết đã nhìn thực dưỡng như một phép trị liệu nhanh chóng cho vô số bệnh tật.
Tôi tin tưởng rằng lối sống thực dưỡng, thấu hiểu những nguyên lý và khuôn mẫu ăn uống có thể tăng cường độ nhạy cảm bẩm sinh của cơ thể để nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm. Với kinh nghiệm 30 năm tư vấn, tôi đã thấy nhiều người thay đổi toàn diện sức khỏe của họ. Không may là, trọng tâm thực dưỡng trong 25 năm qua tập trung vào thức ăn như một công cụ chữa trị chính, xem nhẹ vai trò của việc thể hiện cảm xúc, luyện tập thể dục, niềm đam mê trong cuộc sống và sử dụng thời gian có mục đích. Những nhân tố này ảnh hưởng to lớn và không ai muốn hoàn thiện cá nhân hay chữa trị bệnh tật có thể bỏ qua chúng.
Tôi nhìn lại cuộc đời và lối sống của chính mình sau khi bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư, mà hóa ra là u nang bẩm sinh. Nhưng điều gì khiến nó phình to trong những năm sau này? Nhìn lại quá khứ, tôi tin rằng nguyên nhân nằm ở việc mở rộng chế độ ăn, bao gồm caffein, nhiều dầu hơn, nhiều chất béo bão hòa, lượng lớn bột mì (ảnh hưởng đến đường máu). Với tôi, những bài học đến chậm, thực ra là bây giờ tôi vẫn đang học, nhưng tôi kịp nhận ra mình cần phải làm gì.
Buồn thay, những người khác không may mắn như vậy và họ chết bởi chính những điều kiện mà họ khuyên người khác không nên phạm phải. Tôi không nghĩ trách nhiệm thuộc về một yếu tố riêng lẻ nào (như kiểu “Chết vì bánh mì trắng”) mà hãy nhìn tất cả như một bức ghép hình với nhiều mảnh, mỗi miếng ghép là một góc nhìn giúp hoàn thiện bức tranh cuộc đời chúng ta.
Một quan điểm “vĩ mô” (macro) – 10 đặc điểm tự chữa trị
Lộ trình chữa trị được xây nên bởi nhiều con đường nhỏ, tất cả cùng một đích đến: nơi mà cơ thể, trí óc và tâm hồn được phục hồi. Con đường mà ta chọn cho cuộc hành trình được dựa trên việc hoàn thiện những mặt thiếu sót trong cuộc sống của chúng ta, những khía cạnh mà ta đã lãng quên, những gì cần dưỡng nuôi và tỏ lộ nhiều hơn.
Những con đường này mang tên Đức Tin, Mục Đích, Dinh Dưỡng, Tình yêu, Chân Thành, Lòng Trắc Ẩn, Miễn Dịch, Đam Mê, Tâm Hồn, Tha Thứ và Biết Ơn. Trong lĩnh vực y học đối chứng còn khá non trẻ, nơi làm việc của hầu hết các bác sĩ ngày nay, chúng ta nhận ra rằng nỗ lực chạy chữa không chỉ phải được cá nhân hóa theo những nhu cầu riêng biệt của mỗi bệnh nhân, mà còn phải được mang đến điều gì đó gần như là tự chủ, khuyến khích bệnh nhân lựa chọn giải pháp, thay vì, bị áp lực bởi những “chuyên gia”, buộc phải tin rằng bạn không còn con đường nào khác.
Nó là macro-biotics (đời sống lớn lao), không phải là micro-biotics (sinh mệnh nhỏ bé). Và nó là điều tuyệt vời. Macro có nghĩa là “to lớn, vĩ mô”, điều đó nhắc nhở chúng ta những gì tạo nên một cuộc sống lớn lao. Nghiên cứu lâm sàng cũng như những giai thoại không ngừng chỉ ra rằng những người sống sót khỏi ung thư đã được hỗ trợ bởi 10 điều sau đây: 
  1. Mục đích sống 
  2. Thái độ tích cực 
  3. Dinh dưỡng tốt 
  4. Lối sống lành mạnh 
  5. Làm chủ căng thẳng 
  6. Hài hước 
  7. Tình cảm và những hỗ trợ xã hội 
  8. Thể hiện cảm xúc 
  9. Tập luyện thể chất 
  10. Niềm tin mạnh mẽ 
Mười con đường này có sức ảnh hưởng sống còn. Trong các cuộc hội thảo, tôi yêu cầu người tham gia hãy xem xét, lựa chọn những lĩnh vực cần nhấn mạnh để việc chữa trị được hoàn thiện hơn. Hy vọng rằng một cuộc đối thoại nội tâm sẽ giúp họ nhìn lại mọi thứ, cách yêu, cách sống, cách chăm sóc bản thân. Chúng ta chỉ thực sự chữa trị khi tự tra vấn và nghiền ngẫm những thành phần bị lãng quên đó, những điều thực ra vô cùng trọng yếu cho một cuộc sống khỏe mạnh, sôi nổi và đầy đam mê, những gì chỉ có thể thưởng thức khi bạn biết sống trọn vẹn trong từng phút giây của hiện tại.
Một vài lời khuyên để phòng và chống bệnh ung thư
Dưới đây là một danh sách dài gồm những lời khuyên để bạn phục hồi hoặc rèn luyện sức khỏe. Hãy làm hết sức có thể và cứ tiếp tục để chúng trở thành một phần trong lối sống của bạn:
Về ăn uống 
  1. Tìm một bác sĩ giám sát quá trình điều trị và trở thành thành viên tích cực hỗ trợ bạn chữa bệnh. 
  2. Ăn thực phẩm toàn phần. Có nghĩa là ngũ cốc lứt, rau, đậu, sản phẩm từ đậu, rong biển là thực phẩm chính. Lựa chọn lượng nhỏ trái cây và protein động vật (tùy chọn) như những thực phẩm bổ sung. Dùng muối biển chất lượng tốt để nấu. Dùng một số thực phẩm lên men như cải muối, mơ muối, miso và dưa chua muối. Thưởng thức các loại trà không chứa caffein. 
  3. Trò chuyện với bác sĩ về các phương pháp trị liệu bổ trợ phương Đông lẫn phương Tây như châm cứu, khí công, thảo dược, dược phẩm tăng cường miễn dịch, men tiêu hóa, thực phẩm bổ sung có nguồn gốc thực vật, sản phẩm từ tảo… 
  4. Thưởng thức bữa ăn, nhai kỹ và biết ơn những gì bạn có. 
  5. Dùng thực phẩm organic bất cứ khi nào có thể. 
  6. Tránh uống nước từ vòi (tap water). Dùng nước đã được kiểm tra kỹ, nước thiên nhiên hoặc nếu không thì nước đã lọc. Đầu tư thiết bị ion hóa để đảm bảo nước được kiềm hơn. 
  7. Không chứa nước trong bình nhựa. Thay thế bằng vật liệu thủy tinh. 
  8. Dùng dụng cụ lọc vòi tắm để không phải hít mùi Clo khi bạn tắm. 
  9. Ăn nhiều bữa nhưng ăn ít trong mỗi bữa. 4 hay 5 bữa nhỏ thì tốt hơn 2 hay 3 bữa bự. Tránh ăn khuya, khoảng cách từ bữa ăn đến khi lên giường ít nhất là 3 tiếng đồng hồ. Giấc ngủ là để nghỉ ngơi, không phải để tiêu hóa. 
Về trí óc
 
  1. Sáng tạo mỗi ngày. Bất cứ khi nào bạn thật sự mải mê làm điều gì đó mình thích thú, bạn đã sống trọn vẹn. Giây phút đó thường chứa đựng ít căng thẳng nhất và đầy ý nghĩa. Đó là giải pháp tuyệt vời cho việc chữa trị và chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn cho cái mà nhà triết học Ken Wilbur gọi là “giây phút vĩnh cửu”. 
  2. Biến nhà của bạn thành viện điều dưỡng. Gia giảm tùy ý, sáng tạo không gian mới, hãy thoải mái biến nó thành nơi chốn thư giãn dễ chịu nhất. 
  3. Học – đăng ký một lớp học, học từ xa hoặc online. Thách thức trí não và tiếp tục trưởng thành. 
  4. Lập danh sách những điều bạn muốn làm, những nơi bạn muốn đi, bức ảnh bạn muốn chụp và những người bạn muốn gặp. 
  5. Tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý. Không nên đánh giá thấp việc tìm ai đó giúp bạn nhìn ra những vấn đề căn bản. Tìm đọc cuốn “The Work” của Bryon Katie. 
  6. Đọc Thích Nhất Hạnh. Ông là hiện thân của “tỉnh thức” (mindfulness). 
Về thân thể 
 
  1. Mát xa cơ thể. Mát xa kiểu nhật, kiểu Jin Shin, kiểu Thái, kiểu Thụy Điển, kiểu Deep Tissue, nhân điện, điều hòa năng lượng, vâng vâng. 
  2. Tập yoga. Các tư thế yoga được dựa trên biểu hiện của các con vật và được biến đổi cho phù hợp với con người. Yoga ảnh hưởng đến hô hấp, tất cả các nhóm cơ và kinh lạc. Hãy tập yoga dù chỉ 2-4 động tác mỗi đêm, ít nhất là hãy thử nó. 
  3. Liệu pháp hồng ngoại: giúp lan tỏa hơi nóng vào sâu trong các mô và hồi phục các tế bào nhờ cơ chế thải độc. 
  4. Đi ngủ sớm, dậy sớm. Nghỉ ngơi vào cuối buổi chiều nếu có thể. Đối với chu kỳ sinh học, nghỉ ngơi vào thời gian này giúp ích cho thận – cơ quan thiết yếu trong cơ thể, cũng như tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận đóng vai trò quan trọng trong đối phó với stress và mang đến giấc ngủ ngon. 
  5. Tận hưởng sự vận động. Đi bộ, leo núi, đạp xe, bơi, đi bộ chậm, chèo thuyền, hãy để cơ bắp và lá phổi hoạt động. 
Về cảm xúc 
 
  1. Hãy để những chuyện không thể thay đổi trôi qua. Nếu có ai đó mà bạn muốn hàn gắn đã qua đời, hãy tha thứ, nói với họ và để nó qua. Mark Twain từng nói: “tha thứ là hương thơm mà đóa violet tỏa ra từ gót hài đã dẫm lên nó”. Hãy nghĩ về điều đó. 
  2. Yêu những gì bạn có, và học cách cho đi. 
  3. Hằng ngày hoặc hằng tuần hãy viết lại những gì bạn suy nghĩ, cảm nhận. Bạn không cần phải viết cỡ “Chiến tranh và Hòa bình”, chỉ cần ghi lại vài dòng vắn tắt để thể hiện cảm xúc của chính mình. 
  4. Từ giã những người tiêu cực chỉ biết quan tâm đến mình và luôn khiến bạn cạn kiệt năng lượng. 
  5. Tránh cô lập bản thân. Tiếp xúc với những nhóm hỗ trợ và những người chiến thắng ung thư. 
  6. Dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Không chỉ là cùng nhau làm việc, nói, cười. Hãy tìm sự đồng cảm. 
Về tâm hồn 
  1. Tìm một hình thức nào đó để “tập luyện” cho tâm hồn mỗi ngày. 
  2. Thiền định. Dành 20 phút mỗi ngày cho thiền định hoặc hình dung về mục tiêu sức khỏe của bạn. 
  3. Trải nghiệm với thiên nhiên, nuôi dưỡng nguồn năng lượng trong cơ thể bạn. Nằm xoài trên cỏ, dưới bóng cây, cạnh một cánh đồng hay một dòng suối, trong công viên… Ohsawa gọi Tự nhiên là “Mẹ nuôi dưỡng” ta.
Theo http://www.bepthucduong.com