Người Việt Nam chúng ta thường tự hào rằng mình uống cafe sành điệu và đúng gu nhất thế giới. Quan niệm rằng ta “sinh ra ở xứ sở cafe” và “uống cafe vài chục năm nay rồi” khiến cho người Việt Nam chúng ta không biết rằng thói quen uống cafe phinn của ta đang lỗi thời vô cùng so với thế giới hiện đại.
Xin lỗi, gạo dở nhất tôi đã từng ăn là gạo Việt Nam, cà phê dở nhất tôi đã từng uống là cà phê Việt Nam” – Câu nói này của ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng Châu Á Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia. Phải thừa nhận là đúng như vậy. Vì gạo ngon nhất ở Việt Nam đã xuất khẩu hết rồi, cafe ngon nhất của Việt Nam đã bán với giá cafe nguyên liệu (rẻ hơn chục lần so với giá thành phẩm) cho sàn cafe thế giới hết cả.
Đó là lý do chúng tôi khao khát tạo ra được một cộng đồng những người biết uống, biết thưởng thức và tận hưởng cafe.
Bao nhiêu lâu nay, cafe chúng ta đang uống vẫn đảm bảo tiêu chí : “Đậm, Đắng, Đen” – chúng tôi hay gọi vui là tiêu chí 3Đ là chuẩn. Càng đậm đặc càng ngon, càng đắng càng mạnh mẽ, càng đen càng nguyên chất…. Xin thưa, chỉ có thứ “tả pín lù” gì đó mới tạo ra một hỗn hợp 3Đ như vậy. Cafe nguyên chất có cái nguyên lý riêng của nó…
Kể từ khi báo chí phanh phui những vụ việc cafe làm từ than, bột bắp, đậu nành, hương liệu, hóa chất, xà bông, mùi hóa học, ký ninh… Người ta mới giật mình quan tâm cái gọi là “cafe – sạch” thực sự là gì. Vậy theo như trường phái của người uống mà nói cafe sạch là cafe “chỉ làm từ cafe”. Thế nhưng, sâu hơn nữa, theo khía cạnh sản xuất, cafe sạch chỉ là nguyên chất cafe mà còn là ly cafe được làm từ thứ cafe gì, canh tác ra sao, rang xay thế nào, có cho thêm hương liệu gì trong quá trình chế biến không.
Đôi khi ta hay nghe nói đến cafe rang có bơ, điều này dĩ nhiên là làm tăng độ dậy mùi của cafe, song, thực tình mà nói, cafe rang bơ có điểm bất lợi của nó. Gốc dầu thực vật trong bơ sẽ là nguồn phát sinh vi khuẩn gây hại, nhanh chóng xâm nhập vào thành phần cafe làm cafe nhanh biến chất và hư hỏng, nấm mốc. Vậy, cafe có bơ nếu để lâu dễ dàng biến thành một hợp chất có hại.
Đó là chỉ bàn sơ về cafe sạch, còn làm thế nào để có ly cafe ngon lành còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà cái chính phụ thuộc vào cảm giác của người thưởng thức. Vậy, để biết được một ly cafe ngon dở ta còn phụ thuộc và thước đo và nhận thức của mỗi người về cafe. Bởi thế, để tạo được một thị trường cafe trong sạch hơn, đàng hoàng hơn không phải đơn giản mà cần một cộng đông lớn cùng hợp sức, chung lưng đấu cật phát triển và dựng xây.
Trước mắt, ta cứ quan niệm rằng sạch trước đã rồi mới tới ngon. Chứ đừng uống cafe bẩn, nước đen ngậm hóa chất hương liệu rồi tấm tắc khen cafe Việt ta sánh vai năm châu, lừng lẫy địa cầu thì phi lý quá….
Thái Khoa